HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ TUYỂN SINH ONLINE

– Thí sinh vui lòng đọc kỹ hướng dẫn bên dưới trước khi điền phiếu đăng ký tuyển sinh.

– Thí sinh hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đã cung cấp: Tất cả các thông tin do thí sinh điền trong phiếu đăng ký (Số CMND/CCCD, họ tên, Pháp danh, ngày sinh, văn bằng, v.v..) sẽ làm căn cứ để Học viện PGVN tại TP.HCM xem xét về việc tuyển sinh. Học viện sẽ hủy kết quả xét tuyển nếu có bất kỳ thông tin nào khai báo không chính xác.

– Mỗi thí sinh dùng số CMND/CCCD để đăng ký 01 lần duy nhất.

– Thí sinh gửi phiếu đăng ký thành công sẽ nhận được thông tin xác nhận gửi về email đã đăng ký. Trong email xác nhận này có các thông tin để thí sinh có thể kiểm tra, điều chỉnh (nếu cần) các thông tin xét tuyển, do đó yêu cầu thí sinh phải cung cấp địa chỉ email chính xác và đang sử dụng.

– Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn về kỹ thuật xin vui lòng liên hệ: Phòng Công nghệ Thông tin và Truyền thông, số ĐT: 0905 206 019

BƯỚC 1: Điền phiếu đăng ký tuyển sinh online

– Thí sinh điền Phiếu đăng ký tuyển sinh đầy đủ và chính xác các thông tin cá nhân, thông tin liên hệ, trình độ học vấn, sơ yếu lý lịch và các thông tin khác bằng tiếng Việt có dấu, không viết tắt. Các mục có dấu * là ô thông tin bắt buộc, sau khi điền chính xác các thông tin cá nhân bấm vào mục “ Lưu Tạm” để nhận mã Biên nhận (chú ý ghi lại mã biên nhận BN16……………) sau đó mở hộp email ( chú ý mở email đã điền vào form đăng ký trước lúc bấm Lưu tạm) để tải mẫu đơn, SYLL in Tờ bìa, sau khi hoàn tất hồ sơ còn thiếu phải chụp hình hoặc scan các văn bằng (chú ý chụp ảnh hoặc scan văn bằng gốc) và giấy tờ theo yêu cầu của trường.

– Sau khi chụp hình hoặc scan hồ sơ xong thi sinh vào lại form để tiếp tục hoàn tất hồ sơ, có 2 cách để vào lại hồ sơ cách thứ 1 là mở email truy cập đường dẫn để vào lại form, cách thứ 2 có thể vào mục “ Tra cứu hồ sơ”  Điền mã biên nhận “BN………” và số CCCD  bấm Tra cứu và vào phần “Tiếp tục đăng ký “ dưới cùng có mục

HỒ SƠ ĐÍNH KÈM chọn mục “Con đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đính kèm” upload nhưng file hồ sơ đã chụp hay scan lên sau cùng bấm nút “Đăng ký” để hoàn tất việc đăng ký online

Lưu ý:

Nếu không thể hoàn tất điền hồ sơ trong 1 lần, thí sinh có thể lưu tạm thông tin đã điền bằng cách di chuyển xuống cuối trang, chọn Lưu tạm. Khi đó thí sinh sẽ được cấp mã số hồ sơ, hãy lưu lại mã số này để quay lại tiếp tục điền hồ sơ vào lúc khác.
Thí sinh hãy điền chính xác các thông tin theo yêu cầu, sau khi gửi Phiếu đăng ký thì thí sinh không thể tự chỉnh sửa thông tin cá nhân nữa.

BƯỚC 2: Nộp bộ hồ sơ hoàn chỉnh về Văn phòng Học viện

Thí sinh in bìa hồ sơ mà hệ thống gửi về mail (trong đó có mã QR code) và kèm bộ hồ sơ (đã chụp hình đính kèm vào hệ thống) về Học viện (như thông báo).

BƯỚC 3: Nộp lệ phí tuyển sinh

Sau khi nộp hồ sơ, Hội đồng Tuyển sinh sẽ xét duyệt và thông báo nộp lệ phí qua email, thí sinh có thể nộp lệ phí.

Thực hiện 03 bước trên, thí sinh đã hoàn tất việc đăng ký tuyển sinh và sẽ nhận được số phiếu báo danh để tham gia dự thi tuyển sinh.

____________________________

CÂU HỎI VÀ GIẢI ĐÁP

TUYỂN SINH CỬ NHÂN PHẬT HỌC TỪ XA

(Phiên bản ngày 29/7/2023)

  1. THÔNG BÁO TUYỂN SINH

1.1. Câu hỏi: Chương trình Cử nhân Phật học từ xa (PHTX) tuyển sinh một năm mấy đợt? Khi nào có thông báo tuyển sinh?

Trả lời: Từ năm 2022, Khoa PHTX tuyển sinh mỗi năm một (01) đợt vào khoảng tháng 8 – 9 dương lịch.

1.2. Câu hỏi: Thông tin tuyển sinh được thông báo chính thức ở đâu?

Trả lời: Thông tin tuyển sinh Cử nhân PHXT được thông báo chính thức trên websites https://www.vbu.edu.vn/thong-bao, báo Giác Ngộ  (https://giacngo.vn) và Phật sự Online.

  1. HÌNH THỨC TUYỂN SINH

2.1. Câu hỏi: Chương trình tuyển sinh theo hình thức thi tuyển hay xét duyệt?

Trả lời: Theo hình thức xét duyệt. Tăng Ni và nam nữ cư sĩ đáp ứng đủ điều kiện tuyển sinh và đăng ký nộp đầy đủ hồ sơ dự tuyển theo thông báo tuyển sinh sẽ được xét duyệt.

2.2. Câu hỏi: Chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm là bao nhiêu? Có giới hạn số lượng Tăng Ni và cư sĩ không?

Trả lời: Hiện nay, khoa PHTX chưa giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm và chưa giới hạn số lượng Tăng Ni, cư sĩ.

  1. ĐIỀU KIỆN TUYỂN SINH

3.1. Câu hỏi: Đối tượng và điều kiện đăng ký tuyển sinh như thế nào?

Trả lời: Tăng Ni trên 35 tuổi và nam nữ cư sĩ (không giới hạn độ tuổi) tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc tương đương có thể đăng ký tuyển sinh chương trình Cử nhân PHTX. Trường hợp Tăng Ni dưới 35 tuổi đang tham gia công tác Phật sự tại các cơ quan của Phật giáo, phải có giấy xác nhận nơi đang làm việc hoặc giấy Quyết định bổ nhiệm công tác của BTS GHPGVN cấp tỉnh hoặc huyện.

3.2. Câu hỏi: Con là tu sĩ, vào ngày cuối cùng đăng ký hồ sơ, con vừa qua 35 tuổi (tính theo ngày sinh trong Căn cước công dân) thì con nộp hồ sơ mà không cần giấy xác nhận công tác tại các cơ quan Phật giáo được không?

Trả lời: Được.

3.3. Câu hỏi: Con là tu sĩ dưới 35 tuổi, không có tham gia công tác Phật sự tại các cơ quan của Phật giáo, nhưng con ở trú xứ chỉ có 01 Sư phụ hoặc con phải chăm ba/mẹ lớn tuổi, bị bệnh; con xin đăng ký học khoa PHTX được không?

Trả lời: Phải có giấy xác nhận của BTS Phật giáo tỉnh.

3.4. Câu hỏi: Tăng Ni đang học cử nhân Phật học nội trú xin chuyển qua học hệ ĐTTX được không?

Trả lời: Được. Làm đơn gởi qua phòng Hành chánh.

3.5. Câu hỏi: Con là cư sĩ, quốc tịch nước ngoài, con xin đăng ký học chương trình cử nhân PHTX được không?

Trả lời: Được. Đáp ứng thủ tục cơ bản.

3.6. Câu hỏi: Con chưa biết Phật pháp hoặc không theo đạo Phật, con có đăng ký tuyển sinh được không?

Trả lời: Được.

  1. HỒ SƠ TUYỂN SINH

4.1. Câu hỏi: Hồ sơ tuyển sinh gồm những gì?

Trả lời: Bao gồm những giấy tờ chi tiết được nêu trong thông báo tuyển sinh.

4.2. Câu hỏi: Hồ sơ tuyển sinh phát hành ở đâu? Cách thức nộp hồ sơ như thế nào?

Trả lời: Tăng Ni và cư sĩ thực hiện 02 bước để hoàn tất việc đăng ký và nộp hồ sơ.

+ Bước 1: Đăng ký hồ sơ online tại địa chỉ https://tuyensinh.vbu.edu.vn. Lưu ý: Thực hiện đúng các bước hướng dẫn trong quá trình đăng ký. Thí sinh nên chuẩn bị đầy đủ giấy tờ yêu cầu, scan lưu file mềm để quá trình đăng ký online được nhanh chóng.

+ Bước 2: Nộp hồ sơ giấy tại văn phòng Học viện cơ sở I (số 750 Nguyễn Kiệm, phường 4, quận Phú Nhuận).

4.3. Câu hỏi: Bằng tốt nghiệp THPT bị mất, con có bằng Đại học thay thế được không? Nếu không được thì con làm cách nào?

Trả lời: Trong trường hợp đó thì viết giấy cam kết, sẽ bổ túc lại sau.

4.4. Câu hỏi: Giấy khai sinh hoặc CCCD bị mất hoặc đang làm lại không kịp nộp trong đợt truyển sinh, con có thể nộp giấy xác nhận hoặc giấy tờ khác và bổ sung sau được không?

Trả lời: Được. Viết một tờ trình và hẹn nộp lại vào thời gian sau.

4.5. Câu hỏi: Hồ sơ con bị thiếu “giấy chứng nhận Tăng Ni” hay “giấy xác nhận” công tác tại BTS quận, huyện, con xin bổ sung sau được không?

Trả lời: Được. Viết đơn cam kết sẽ bổ túc hồ sơ sau.

4.6. Câu hỏi: Hiện tại con là cư sĩ, trong quá trình học con xuất gia thì hồ sơ tuyển sinh có phải thay đổi lại giống hồ sơ Tăng Ni không?

Trả lời: Viết tờ trình và xin đổi hình, đổi pháp danh, v.v… trước khi cấp văn bằng.

4.7. Câu hỏi: Hiện tại con là tu sĩ, trong quá trình học con hoàn tục thì hồ sơ tuyển sinh có phải thay đổi lại không?

Trả lời: Làm tờ trình và xin đổi hình ảnh và tên trong hồ sơ.

  1. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO VÀ HÌNH THỨC HỌC TẬP

5.1. Câu hỏi: Chương trình đào tạo trong bao lâu và có thể kéo dài tối đa bao nhiêu năm?

Trả lời: Chương trình cử nhân PHTX học theo niên chế, được tổ chức đào tào chuẩn trong 08 học kỳ (4 năm) và có thể kéo dài 8 năm để hoàn thành 129 tín chỉ, đủ điều kiện tốt nghiệp. (Tham khảo các môn học chi tiết và số tín chỉ tại địa chỉ https://www.vbu.edu.vn/khoa/phat-hoc-tu-xa).

5.2. Câu hỏi: Một năm học có bao nhiêu học kỳ? Mỗi học kỳ bao nhiêu tháng (tuần)? có học kỳ hè hay không?

Trả lời: Hiện tại, một năm học tổ chức 02 học kỳ. Không học hè. Mỗi học kỳ kéo dài khoảng 04 tháng.

5.3. Câu hỏi: Mỗi học kỳ đăng ký tối thiểu bao nhiêu môn (tín chỉ) và tối đa bao nhiêu môn (tín chỉ)?

Trả lời: Không giới hạn tối thiểu. Mỗi học kỳ đăng ký tối đa 07 môn học (tối đa 21 tín chỉ).

5.4. Câu hỏi: Khoa PHTX đào tạo những ngành nào?

Trả lời: Hiện tại, Khoa Phật học từ xa đào tạo có khuynh hướng nghiên cứu về triết học.

  1. HỌC PHÍ, HỌC BỔNG VÀ MIỄN GIẢM

6.1. Câu hỏi: Học phí cho toàn bộ chương trình đào tạo là bao nhiêu? Mỗi năm đóng bao nhiêu? Đóng theo năm hay mỗi học kì?

Trả lời: Hiện tại, học phí đối với Tăng Ni là 6 triệu đồng/1 năm (2 học kỳ); học phí đối với nam nữ cư sĩ là 8 triệu đồng/ 1 năm (2 học kỳ). Quy định hiện tại, học viên đóng học phí theo năm học (02 học kỳ).

6.2. Câu hỏi: Học viện hay Khoa PHTX có cấp học bổng cho học viên không?

Trả lời: Khoa PHTX hiện nay chưa sắp xếp được việc cấp học bổng cho Tăng Ni sinh. Học bổng phần lớn là vận động từ quý Phật tử đang học.

6.3. Câu hỏi: Khoa PHTX có chính sách miễn, giảm học phí không?

Trả lời: Hiện tại, Khoa PHTX chưa có quy định về chính sách miễn, giảm học phí. Tuy nhiên, Tăng Ni có hoàn cảnh khó khăn có thể làm đơn gởi Văn phòng Học viện để được xét duyệt theo từng trường hợp.

  1. CHUYỂN ĐIỂM CÁC MÔN TƯƠNG ĐƯƠNG

7.1. Câu hỏi: Có bằng đại học khác, con có chuyển điểm các môn tương đương được không?

Trả lời: Được phép chuyển điểm các môn tương đương về chương trình học và tương đương số tín chỉ. Văn phòng đào tạo hướng dẫn thủ tục chuyển điểm môn tương đương vào đầu mỗi năm học.

7.2. Câu hỏi: Có bằng Trung cấp, Cao đẳng Phật học, con có thể chuyển điểm một số môn tư tưởng được không?

Trả lời: Nếu đã học Cao đẳng liên thông ở 3 trường: Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Thơ và Tiền Giang (danh sách phải được học viện duyệt từ trước lúc khai giảng ở 3 trường) thì sẽ được chuyển tín chỉ tương đương.

7.3. Câu hỏi: Con có bằng Cử nhân/ Thạc sĩ tiếng Hán, có thể miễn học môn Hán Cổ được không?

Trả lời: Không được miễn môn học. Vì là Hán cổ chuyên ngành, để dịch và hiểu Phật học, nên dù có tốt nghiệp ngành Hán văn bên ngoài thì vô học cũng không được quy đổi. Nếu thật sự giỏi môn ấy thì nên học để có điểm cao nhất.

7.4. Câu hỏi: Con có bằng Cử nhân/ Thạc sĩ tiếng Anh, con có thể miễn học môn Anh văn Phật pháp được không?

Trả lời: Không được miễn môn học. Vì là môn thuật ngữ Phật pháp chuyên ngành. Nếu thật sự giỏi môn tiếng Anh thì nên học để có điểm cao nhất.

  1. HỌC VÀ THI CỬ

8.1. Câu hỏi: Những kĩ năng vi tính nào cần thiết cho việc học? Cần những thiết bị gì để hỗ trợ việc học?

Trả lời: Cần phải biết soạn thảo văn bản trên word, dàn trang, kẻ bảng; tìm kiếm và tải tài liệu từ trên mạng xuống; tải các ứng dụng, phần mềm (như phần mềm Zoom, Zalo…) về máy tính; lưu tài liệu vào máy tính hoặc trên điện thoại; scan tài liệu bằng ứng dụng trên điện thoại…

8.2. Câu hỏi: Con có thể tìm kiếm tài liệu ở đâu để phục vụ cho các môn học tại Học viện?

Trả lời: Tài liệu và các file video, âm thanh bản mềm của các môn học được đăng trên trang web https://www.vbu.edu.vn/elearning/, hoặc liên hệ với phòng photo tại Học viện Phật giáo tại TP.HCM, cơ sở II (Sư cô Nghĩa Huyền) để mua tài liệu bản cứng.

8.3. Câu hỏi: Hình thức học qua zoom hay trực tiếp? Học qua zoom vào khoảng thời gian nào? Học trực tiếp vào khoảng thời gian nào? Thời lượng học trực tiếp bao nhiêu phần trăm?

Trả lời: Học trực tiếp và qua zoom, tùy vào yêu cầu của giảng viên và văn phòng học viện. Ví dụ: Môn Anh văn Phật pháp, cổ ngữ được đề nghị học zoom toàn phần.

8.4. Câu hỏi: Chương trình học từ xa yêu cầu học trực tiếp bao nhiêu buổi/môn?

Trả lời: Theo quy định khoảng 16-20 tiết cho mỗi môn học trực tiếp hoặc qua zoom với giảng viên.

8.5. Câu hỏi: Con ở xa Thành phố Hồ Chí Minh, Khoa PHTX tổ chức thi trực tiếp hay thi online?

Trả lời: Phải tập trung thi tại cơ sở I học viện.

8.6. Câu hỏi: Con đăng ký thi ở TP. HCM nhưng vì có việc nên xin thi ở Hà Nội (hoặc ngược lại). Con cần làm những thủ tục gì?

Trả lời: Cần làm đơn xin chuyển địa điểm thi.

8.7. Câu hỏi: Mỗi học kỳ có mấy kỳ thi? Khoa PHTX tổ chức mấy điểm thi? Đăng ký điểm thi như thế nào?

Trả lời: Mỗi học kỳ có 2 kỳ thi. Có 2 điểm thi: 1) Học viện Phật giáo Việt Nam tại cơ sở I (750 Nguyễn Kiệm, P. 5, Q. Phú Nhuận, TP. HCM); và 2) Tổ đình Trung Hậu, huyện Mê Linh, Hà Nội.

8.8. Câu hỏi: Chúng con là công dân ở nước ngoài, việc về lại Việt Nam thi tập trung mỗi năm 2 lần sẽ gặp khó khăn, vậy có giải pháp nào cho chúng con.

Trả lời: Đối với các học viên là công dân ở nước ngoài thì có đặc ân. Văn phòng học viện sẽ mở zoom và học viên sẽ theo hướng dẫn của văn phòng, thi đúng lịch thi ở Việt Nam. Điều kiện phòng thi: Không có người bên cạnh, mở mic bên đó, camera phải đủ rộng để giám thị có thể làm công tác coi thi đảm bảo chất lượng thi cử.

8.9. Câu hỏi: Khi thi không qua môn, con có được thi lại hay phải học lại môn đó?

Trả lời: Mỗi môn học có 2 phần thi (giữa kỳ, cuối kỳ). Nếu không bị điểm liệt 5/50 trên một phần thi thì được thi lại phần ấy theo khóa tiếp theo (học viên tự theo dõi chương trình học các khóa để đăng ký, không quá 2 môn). Nếu bị điểm liệt (dù chỉ một phần) cũng phải thi lại hết cả 2 (giữa kỳ và cuối kỳ).

8.10. Câu hỏi: Thi lại có phải đóng lệ phí thi không? Bao nhiêu một môn (tín chỉ)?

Trả lời: Thi lại phải đóng học phí theo quy định của Học viện (tùy theo từng năm quy định)

8.11. Câu hỏi: Con nên học như thế nào để đạt hiệu quả cao trong quá trình học tập tại Học viện?

Trả lời: Sự hiệu quả trong quá trình học tại Học viện có thể được đánh giá bằng điểm số hoặc bằng sự tiếp thu những kiến thức được học và áp dụng vào cuộc sống tu hành, giúp cho tâm được an yên, thanh tịnh. Trước khi chương trình học của một học kỳ bắt đầu, văn phòng Học viện sẽ đăng tải tài liệu môn học lên trang web https://www.vbu.edu.vn/elearning/.

Học viên nên dành thời gian nghiên cứu trước các môn học bằng cách nghe các bài giảng của các khóa trước và đọc tài liệu môn học. Các kiến thức nếu được học bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ giúp học viên ghi nhớ sâu sắc và áp dụng vào trong cuộc sống để tẩy rửa phiền não. Đối với việc thi cử và làm bài tiểu luận, học viên nên viết tiểu luận và làm bài thi đúng theo yêu cầu về cấu trúc, quy cách, nội dung bài thi/ bài tiểu luận … mà giáo thọ môn học đưa ra.

Học viên nên tập trung nắm vững nội dung môn học Phương pháp nghiên cứu và Tiếng Việt thực hành tại học kỳ I để có kỹ năng viết bài tiểu luận. Học viên nên cân đối quỹ thời gian, dành nhiều thời gian cho việc học trong 4 năm học tại Học viện và nên coi đây là ưu tiên hàng đầu vì việc học Phật không những giúp Học viên nâng cao tri thức mà còn cải thiện kỹ năng sống để trở thành những người có trí tuệ.

Học viên nên tìm trong lớp những người bạn tương ưng về tinh thần cầu học và cầu giải thoát để trao đổi những hiểu biết về các kiến thức được học tại Học viện và giúp đỡ lẫn nhau trong học tập cũng như trong cuộc sống tu hành.

  1. GIÁ TRỊ BẰNG CỬ NHÂN PHTX

9.1. Câu hỏi: Bằng cử nhân PHTX có được công nhận khi tiếp tục học Thạc sĩ, Tiến sĩ thế học trong nước và nước ngoài không?

Trả lời: Bằng cử nhân Phật học có giá trị trong hệ thống đào tạo Phật học, không giống các chương trình cử nhân thế học. Nên được công nhận khi tiếp tục học lên tại 3 học viện Phật giáo trong nước và nước ngoài.

9.2. Câu hỏi: Bằng cử nhân PHTX có được công nhận ngang bằng hệ nội trú khi con phụng sự trong Giáo hội PGVN không?

Trả lời: Có giá trị ngang bằng hệ chính quy nội trú khi phụng sự, công tác trong các cơ quan Phật giáo, trong Giáo hội PGVN.

  1. HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA

10.1. Câu hỏi: Khoa PHTX có tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên không?

Trả lời: Hằng năm, Khoa PHTX có tổ chức các hoạt động ngoại khóa như Cúng dường trường hạ tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, cơ sở II; Thăm và cúng dường các vị giáo thọ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ngoài ra, sinh viên liên khóa Khoa PHTX có cơ hội được tham gia các khóa tu kết hợp với các thiện sự như xây nhà tình nghĩa, tặng quà cho trẻ em nghèo tại các trường học trên vùng cao, cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ… Những hoạt động ngoại khóa không những giúp sinh viên gắn kết với nhau mà còn tạo cơ hội cho sinh viên thực tập kỹ năng làm việc trên tinh thần Lục hòa, Tứ nhiếp pháp và áp dụng những lời Phật dạy để làm việc một cách có hiệu quả, tiết kiệm thời gian cũng như công sức. Hơn thế nữa, khi tham gia đóng góp công sức vào các hoạt động ngoại khóa do Khoa PHTX tổ chức, sinh viên có cơ hội được vun bồi công đức để góp vào hành trang trên bước đường tìm cầu giải thoát.

Đăng ký tuyển sinh